Có cần viết Conclusion cho IELTS Writing task 1 hay không

Một trong những nỗi băn khoăn hay gặp của các bạn khi viết IELTS Writing task 1 đó chính là việc có nên viết Conclusion cho task 1 hay không. Không viết thì cảm thấy thiếu, mà viết thì lại sợ thừa, sợ sai. Vậy rốt cuộc là nên viết hay bỏ? Đâu mới là sự lựa chọn đúng đắn? Để giải đáp những thắc mắc đó của các bạn, trong bài blog này mình sẽ nêu rõ những lí do, ví dụ phân tích và cả những gợi ý để các bạn tự tin hơn trong việc viết task 1. Hãy cùng đọc  để tìm ra câu trả lời đúng đắn cùng những bật mí nho nhỏ để hoàn thiện hơn kĩ năng viết IELTS Writing task 1 của các bạn nhé.

1. Sự khác nhau giữa conclusion và overview.

Trong IELTS Writing task 1, thường có hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn khiến các bạn đau đầu đó là Conlusion và Overview. Rất nhiều bạn còn nhầm lẫn Conclusion cũng là Overview, tuy nhiên hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau đấy nhé.  Để biết chính xác liệu Conclusion có thực sự cần thiết cho Writing task 1, trước tiên các bạn hãy cùng  mình tìm hiểu về sự khác biệt giữa Overview và Conclusion nhé. 

1.1. Conclusion là gì?

Conclusion là đoạn văn ở cuối bài, nhắc lại các luận điểm đã nêu trong bài và đưa ra kết luận cuối cùng để kết thúc bài viết. Đối với Conclusion, bạn có thể đưa ra quan điểm đánh giá, quyết định hay thậm chí là ý kiến cá nhân.  Ví dụ như đối với đề thi task 1 ngày 26.11 như sau:

Khi một Conclusion sẽ được viết như sau: 

In conclusion, we can easily find that Great Britain’s car ownership rose from 1961 to 2001 because the standard of living in this nation improved significantly. I strongly believe that in the next decade, the proportion of car ownership will keep increasing.

Như bạn thấy  đối với phần Conclusion này, người viết nhắc lại một lần nữa ý chính của bài (Great Britain’s car ownership rose from 1961 to 2001), đưa ra cả quan điểm cả nhân vào trong phần viết của mình để đưa ra đánh giá (because the standard of living in this nation improved significantly) và từ đó kết luận bài viết, thậm chí là đưa ra dự đoán về tương lai. Đó chính là conclusion của bài task 1 đó bạn ạ.

1.2. Overview là gì?

Trái lại, Overview lại là phần nêu ra những luận điểm chính của bài (main ideas/ points), nó bao gồm tất cả những thông tin chính cần được thể hiện trong biểu đồ. Overview có thể được đặt linh động ở cả đầu hay cuối bài viết tùy thuộc vào ý định của người viết là theo lối quy nạp hay diễn dịch. Cùng một ví dụ như trên, một Overview sẽ được viết như sau: 

Introduction: The line graph compares the percentages of households who had no, one, two and more cars in Great Britain from 1961 to 2001.

Overview: It is clear that the proportion of no-car families plummeted over the period shown, but the opposite was true for the other figures.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra phần Overview này có sự khác biệt hoàn toàn so với phần Conclusion. Nó được viết ngay sau đoạn mở bài, chỉ đơn thuần nêu  rất ngắn gọn, súc tích hướng phân tích chung của bài bằng cách chọn ra những đặc điểm quan trọng nhất (the proportion of no-car families plummeted over the period shown, opposite was true for the other figures), và đặc biệt, chỉ viết về những điều trực quan, tức là những gì được nhìn thấy trong đề bài chứ k phải những suy nghĩ chủ quan của người viết. Để viết biết cách viết Overview, bạn có thể đọc trong bài Hướng dẫn viết Overview trong task 1 nhé ạ.

2. Có nên viết conclusion trong Writing task 1 hay không?

Đến đây chắc các bạn đã hiểu rõ thế nào là Overview, thế nào là Conclusion rồi đúng không? Tuy nhiên, mới chỉ phân biệt giữa hai khái niệm này thì vẫn chưa đủ để trả lời. Để mình đưa ra cho các bạn một gợi ý nữa nhé! Đó là hãy chú ý vào yêu cầu nội dung của từng phần viết task 1 và task 2.  

2.1. Conclusion không đúng với yêu cầu đối với Writing task 1

Task 1 là dạng bài miêu tả biểu đồ (Line graph, pie chart, map, process hoặc diagram). Yêu cầu đặc thù về phần nội dung của bài viết là phải nêu được sự chuyển dịch cũng như xu hướng chuyển dịch nổi bật, có cái nhìn bao quát cho toàn biểu đồ. Bài viết nên có sự so sánh để qua đó làm nổi bật sự thay đổi mà mình muốn hướng người đọc đến.  Một điều quan trọng nữa đó là, task 1 chủ yếu về phân tích số liệu, xu hướng, vì vậy không được có ý kiến chủ quan của người viết. Chính vì thế conclusion là “thừa thãi” đối với task 1.

2.2. Bố cục chuẩn của bài Writing task 1 không có Conclusion

Thay vào đó, mình cũng đã có bài viết chia sẻ về bố cục chuẩn của bài viết writing task 1, với việc bạn sẽ sử dụng overview để vẽ lên bức tranh khái quát của biểu đồ trước khi mô tả số liệu tỉ mỉ, chính xác của biểu đồ đó trong phần body. 

2.3. Overview có những ưu điểm vượt trộ so với Conclusion.

Đã biết nên chọn gì rồi, nhưng các bạn chắc vẫn chưa thôi thắc mắc nhỉ? Chúng ta cùng tiếp tục xem sự lựa chọn này có ưu điểm nổi trội gì không nào.

Như đã nói ở phần trên, Overview vượt trội hơn hẳn so với Conclusion ở task 1 bởi vì Overview khá ngắn gọn (thường chỉ có một câu hoặc hai câu), không khó viết vì chỉ cần dựa tên những dữ liệu đã đưa ra trong bài, trong khi, để viết một conclusion, kiến thức của bạn phải đủ rộng và sâu, bạn phải nhìn nhận vấn đề và khái quát vấn đề ở tầm cao hơn nên sẽ khó hơn rất nhiều. 

Thêm vào đó, Overview tốt có thể giúp các bạn tăng thêm tính chặt chẽ cho bài viết, điều này sẽ cứu vớt điểm số của các bạn nếu như bài viết chưa thực sự tốt. Trái lại, Conclusion lại nhắc lại một lần nữa những ý kiến đã nêu, một điều bạn không nên làm trong Task 1. Bài viết không tốt, lại lặp lại những ý đã đưa ra sẽ khiến điểm của bạn bị kém đi. Vì thế nên, so với Conclusion, mình nghĩ task 1 vẫn cần một Overview mang tính chặt chẽ hơn.

3. Một số gợi ý khi viết Overview cho cho writing task 1

Cuối cùng, như đã hứa với các bạn, mình sẽ bật mí cho các bạn một số những tip “nhỏ nhưng có võ” sau đây để sử dụng các bạn nhé.

3.1. Vị trí của Overview

Điều đầu tiên cần lưu ý khi viết Overview đó chính là vị trí. Như mình đã chia sẻ, vị trí được cho là “đắc địa” nhất cho phần Overview chính là ở sau đoạn mở bài, như thế vừa dễ cho các bạn phát triển ý vừa không làm mất đi tính thống nhất của toàn bài.

Các bạn có thể xem lại vị trí đó ở trong video sau:

3.2. Độ dài thích hợp cho Overview

Tiếp theo vị trí, các bạn cũng cần phải chú ý đến độ dài của phần Overview. Thường thì phần overview chỉ chiếm khoảng một câu trong bài, và nhiều nhất là hai câu. Do đó, mình khuyên các bạn là không nên tốn quá nhiều thời gian để viết dài phần này, vừa lãng phí thời gian vừa vô tình khiến phần Overview  trở nên rườm rà, lan man. Các bạn chỉ nên viết sao cho phần Overview không vượt quá dung lượng, vừa súc tích, vừa hiệu quả. Một đến hai câu là vừa đủ cho một phần Overview hiệu quả  các bạn nhớ nhé

3.3. Nội dung của phần Overview

Phần nội dung có lẽ sẽ là phần quan trọng nhất mà các bạn cần lưu ý. Phần overview tuy ngắn, nhưng nội dung nó chứa đựng lại vô cùng quan trọng. Nếu thiếu đi phần Overview, thậm chí điểm số của bạn cho task 1 sẽ bị trừ đi một nửa. Thử tưởng tượng một phần quan trọng như thế mà chúng ta không biết cách viết như thế nào cho hợp lí thì có thể giúp bài thi của chúng mình đạt điểm cao hơn được không? Chắc chắn là không rồi! Vậy quay trở lại với vấn đề chúng ta cần viết gì để Overview của chúng ta vừa ngắn gọn, vừa súc tích, vừa chứa đựng nội dung quan trọng, mình có một vài lời khuyên  như sau: 

Không bao giờ thêm ý tưởng mới cho phần Overview

Tất cả những gì tuyệt vời nhất, sáng tạo nhất, mới mẻ nhất, các bạn hãy cứ để dành cho Task 2 nhé. Dừng dại dột thêm vào đó bất cứ thứ gì khác ngoài những nội dung đề bài cung cấp, nếu không bài của bạn sẽ bị tính là lạc đề đấy. Bởi vì bạn nên nhớ, task 1 của chúng ta chủ yếu phân tích số liệu, mà số liệu đưa ra đòi hỏi tính thống nhất và chính xác rất cao, nếu cứ lơ mơ đưa vào đấy một vài tình huống hoặc một vài thông tin mới lạ, chắc chắn bạn sẽ gặp vấn đề lớn đấy.

Từ ngữ đa dạng, phong phú

Tuy chỉ chiếm một câu, trong toàn bộ phần task 1 nhưng bạn phải chú ý không bao giờ được lặp lại từ ngữ. Cách tốt nhất là bạn nên paraphrase- tìm từ đồng nghĩa để thay thế, hoặc thay đổi cấu trúc câu, nhé. Một bài viết luôn có sự đa dạng cấu trúc câu, từ ngữ phong phú sẽ luôn được đánh giá cao hơn rất nhiều so với những bài chỉ đơn thuần toàn những câu đơn giản, từ ngữ nghèo nàn.

Nêu ra những đặc điểm chính quan trọng

Thế nào là đặc điểm chính, quan trọng trong Overview? Câu trả lời sẽ phải tùy thuộc xem đây là dạng biểu đồ gì bạn nhé. 

Nếu bạn đang viết dạng biểu đồ có sự thay đổi theo thời gian, đặc điểm chính luôn là xu hướng thay đổi của số liệu. Chính vì vậy người viết cần phải sử dụng các từ vựng – cấu trúc câu miêu tả xu hướng để diễn đạt thông tin chính này. 

Nếu bạn đang viết biểu đồ không có sự thay đổi theo thời gian, điều quan trọng nhất đó chính là số liệu cao nhất, cái mà người viết cần chỉ ra bằng các cấu trúc so sánh như so sánh hơn nhất hay so sánh hơn.

Overview không bao giờ đưa ra số liệu

Vì sao lại không trích dẫn số liệu trong Overview? Vì nhiệm vụ của phần này chỉ là vẽ lên bức tranh toàn cảnh của biểu đồ chứ không phải mô tả số liệu chi tiết. Chính vì thế người viết chỉ cần nêu ra số liệu cao, thấp hoặc xu hướng tăng, giảm của biểu đồ mà không đưa ra số liệu cụ thể.

Vậy số liệu sẽ được nhắc đến ở đâu? Đó chính là phần body, nơi mà bạn sẽ minh họa chi tiết thông tin của bài và trích dẫn ra cả số liệu để bài viết của mình trở nên rõ ràng hơn.

Như vậy, hi vọng bài blog này đã phần nào giúp tháo gỡ những thắc mắc của các bạn. Chúc các sớm thành công chinh phục được “cô nàng” IELTS khó tính này nhé!

HỌC IELTS ONLINE QUA ZOOM,
CÁCH HỌC HIỆU QUẢ CỦA NGƯỜI HIỆN ĐẠI
Để cô Thanh Loan giúp bạn đánh giá đầu vào chi tiết, xây dựng lộ trình học tập cá nhân hoá phù hợp với đầu vào và mục tiêu bạn mong muốn
0
    0
    GIỎ HÀNG
    Giỏ hàng trốngQuay lại
      Sử dụng