10 điều không nên thực hiện trong IELTS Speaking

Chào các bạn! Trong bài chia sẻ trước mình đã chia sẻ với bạn về 10 điều nên làm trong IELTS Speaking, vậy còn các điều không nên thì sao? Hãy cùng mình tìm hiểu về 10 điều không nên trong IELTS Speaking trong bài Blog hôm nay nhé!

1. Không nên nhớ đáp án bài mẫu

Bạn có nghĩ rằng cách tốt nhất để thể hiện tốt trong bài thi nói đó là cố gắng nhớ đáp án từ các bài mẫu không? Nếu có thì bạn đang mắc một sai lầm rất lớn đó. Có 4 lý do chính vì sao việc nhớ đáp án từ các bài mẫu lại là không hiệu quả.

  • Nhớ câu trả lời của bài mẫu khiến bạn nói không tự nhiên 
  • Nhớ câu trả lời của bài mẫu khiến bạn không thể kiểm soát tốc độ nói của mình
  • Khiến bạn bị điểm kém vì rất dễ để giám khảo biết bạn đang nói dựa vào câu trả lời mẫu
  • Khiến bạn phải đối đầu với những câu hỏi khó hơn, vì giám khảo muốn bạn phải tự đưa ra câu trả lời

Với 4 lý do trên, bạn đã biết vì sao bạn lại không nên nhớ câu trả lời mẫu chưa? Vì vậy, trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng không nên dùng cách này khi dự thi bài thi nói nhé!

2. Không nên lo lắng về quan điểm của giám khảo

Có nhiều bạn thường lo lắng về việc đưa ra quan điểm của mình vì sợ nó sẽ không giống với quan điểm của giám khảo. Tuy nhiên, khi dự thi kĩ năng nói bạn không nên lo lắng về điều này vì giám khảo họ sẽ không quan tâm quan điểm của bạn đúng hay sai, mà họ chỉ quan tâm về khả năng nói của bạn. Vì vậy, bạn chỉ cần chú ý đến 3 yếu tố sau khi nói:

  • Trả lời hết các ý mà giám khảo hỏi và phát triển câu trả lời tốt.
  • Trả lời với tốc độ chôi chảy, không bị vấp
  • Câu trả lời đúng và đa dạng ngữ pháp

3. Không nên sử dụng quá nhiều từ ngữ phức tạp 

Trong bài chia sẻ trước, các bạn đã được khuyên là nên sử dụng các từ vựng ít thông dụng trong bài nói nếu muốn đạt điểm cao như việc sử dụng idioms. Tuy nhiên, nếu bạn quá lạm dụng các từ vựng khó và phức tạp trong bài nói, bạn có thể mắc lỗi và gây hiểu nhầm về ý nghĩa cho giám khảo. Việc sử dụng các từ vựng ít thông dụng là cần thiết, tuy nhiên nó chỉ có hiệu quả khi bạn sử dụng từ vựng đó với đúng nghĩa, và đúng với văn cảnh của nó. Chính vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng một vài những từ ngữ khó trong bài nói để tránh những lỗi gây mất điểm. 

E.g: Do you live in a house or a flat?

Câu trả lời 1: I am living in a house where I really love because it helps me escape from the fast pace of life. 

Câu trả lời 2: Currently, I am living in a detached house located in the suburb of Hanoi, the capital city of Vietnam. It is quite big in size, so it is a super-cozy place where I can enjoy my own space and escape from the hectic pace of life. So I have to say that I love my flat so much.

Khi bạn so sánh 2 câu trả lời cho câu hỏi ở ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng câu trả lời 2 được sử dụng 3 cụm từ tốt – ít thông dụng. Vì vậy, bạn chắc hẳn sẽ cho rằng câu trả lời sẽ đạt band điểm rất cao. Tuy nhiên, hoàn toàn ngược lại vì trong câu trả lời 2 người nói đã sử dụng sai nghĩa của từ “a detached house”, vì vậy người nghe sẽ thấy khó hiểu về câu trả lời này, và đương nhiên giám khảo sẽ trừ điểm nếu như bạn mắc lỗi này.

Từ “detached house” nghĩa là căn nhà biệt lập, tách riêng chứ không phải nghĩa là căn hộ vì vậy cả phần giải thích đằng sau của câu này gây mâu thuẫn cho ý nghĩa của từ “detached house”. Qua ví dụ trên, bạn có thể nhận thấy rằng việc sử dụng những từ ngữ ít thông dụng sẽ phản tác dụng nếu như bạn không hiểu ý nghĩa thật sự của từ đó. Vì vậy, đừng nên quá lạm dụng từ ngữ khó và phức tạp khi thi nói nhé!

4. Không nên quá khoe khoang quá nhiều về ngữ pháp 

Tương tự với điều không nên ở mục 3, trong trường hợp nếu các bạn không hiểu rõ về cách sử dụng của một cấu trúc ngữ pháp thì mình khuyên các bạn không nên sử dụng cấu trúc đó trong bài nói. Vì việc bạn quá sa đà vào sử dụng các cấu trúc ngữ pháp khó mà không chắc cấu trúc đó đúng hay không sẽ rất nguy hiểm, nó không những có thể khiến bạn không đạt được điểm cao mà nó còn khiến bạn bị trừ điểm nữa. Lấy ví dụ đơn giản như sau:

E.g: I will have been studying English since I was six years old.

Nhiều bạn nghĩ rằng việc sử dụng các thì phức tạp (ví dụ như thì tương lai hoàn thành tiếp diễn ở trên) sẽ giúp các bạn gây ấn tượng với giám khảo. Tuy nhiên, các bạn lại không để ý rằng mình có đang sử dụng đúng thì trong văn cảnh đó không. Vì lý do đó, các bạn sẽ mắc lỗi về ngữ pháp trong câu này và bị trừ điểm. Nếu như trong câu ví dụ trên, bạn chỉ cần sử dụng đúng thì trong văn cảnh, mặc dù nó có đơn giản thì bạn vẫn sẽ được điểm ngữ pháp trong câu này.

E.g: I have studied English since I was six years old.

Vì vậy, đừng nên quá khoe khoang ngữ pháp trong khi bạn không biết chính xác cách sử dụng của nó nhé! Nhưng cũng nhớ check những điều cơ bản về ngữ pháp bạn cần áp dụng trong Speaking nhé!

5. Không nên không nói gì

Trong kĩ năng nói, có rất nhiều bạn thay vì trả lời câu hỏi giám khảo đưa ra lại chọn cách im lặng và không nói gì, đặc biệt trong part 3. Có một vài lý do có thể giải thích cho vấn đề này, đó là:

  • Bạn không biết nói gì vì topic quá lạ
  • Bạn mất tự tin trong phòng thi
  • Bạn không nghe được câu hỏi của giám khảo

Nếu các bạn cũng đang ở trường hợp như vậy thì các bạn đã hoàn toàn sai lầm. Vì kĩ năng nói được đưa ra không phải nhằm mục đích để kiểm tra kiến thức của bạn về các lĩnh vực trong đời sống, mà là kiểm tra khả năng nói của bạn. Vì vậy, nếu bạn không nói gì đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận điểm 0 vì bạn không thể diễn đạt khả năng nói của mình cho giám khảo thấy. Bạn không cần quan tâm quá nhiều về việc bạn đưa ra quan điểm đúng hay sai, mà chỉ nên tập trung vào khả năng nói của mình thôi. Một số cụm từ có thể dùng nếu bạn không chắc về câu trả lời của mình:

  • I don’t have much knowledge of this subject, but I think…
  • I’m not really sure, but if I had to say….

Nếu gặp phải câu hỏi mà bạn không có kiến thức về nó, thay vì không nói gì hãy sử dụng các cụm từ trên và cố gắng trả lời câu hỏi để giám khảo có thể đánh giá khả năng nói của bạn.

6. Không nên ưu tiên ngữ pháp hơn độ trôi chảy

Trôi chảy và ngữ pháp là 2 trong số 4 tiêu chí chấm điểm trong kĩ năng nói, và chúng đều chiếm 25% số điểm của bạn. Tuy nhiên, tại sao bạn lại không nên ưu tiên ngữ pháp hơn độ chôi chảy? Có một vài lý do như sau:

  • Độ chôi chảy là tiêu chí đầu tiên bạn cần có khi học một ngôn ngữ
  • Tập trung vào độ chôi chảy hơn là ngữ pháp giúp bài nói bạn trở nên tự nhiên hơn

Vì vậy, trong khi nói bạn cần để ý đến độ chôi chảy của bài nói hơn là ngữ pháp để khiến bài nói tự nhiên hơn. 

7. Không nên quá lo lắng về ngữ điệu của bạn

Khi học nói, nhiều bạn thường quá lo lắng về ngữ điệu của mình. Họ nghĩ rằng họ bắt buộc phải nói theo đúng giọng Anh – Anh vì giám khảo là người Anh. Nếu các bạn cũng có suy nghĩ như vậy thì các bạn đã sai, vì các bạn có thể thấy rằng rất nhiều người đạt band điểm cao trong kĩ năng nói mà không hề nói chuẩn giọng Anh – Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, vì vậy mỗi quốc gia đều có những ngữ điệu khác nhau. Nếu ngữ điệu của bạn không gây khó khăn cho bạn trong việc giao tiếp, hay nó không gây hiểu nhầm về ý nghĩa cho người nghe thì bạn có thể nói với bất kì ngữ điệu nào. Vì vậy, không nhất thiết bắt buộc mình phải nói chuẩn giọng Anh – Anh để có thể đạt điểm cao.

8. Không nên quá lo lắng

Lo lắng khi làm bài thi là một vấn đề khá phổ biến với bất kỳ ai. Việc bạn quá lo lắng trong phòng thi có thể gây ra một vài vấn đề như sau:

  • Nói nhỏ, và khiến giám khảo thấy khó hiểu về việc diễn đạt của bạn
  • Đưa ra những ý tưởng không tốt trong câu trả lời

Như các bạn thấy đấy, việc lo lắng không thể giúp bạn giải quyết được vấn đề mà trái lại nó còn khiến bài nói của bạn trở nên tệ hơn. Vậy làm cách nào để giúp các bạn tự tin hơn trong phòng thi?

  • Luyện nói thường xuyên với bạn bè hay người thân ở nhà
  • Luyện nói trước gương
  • Trước khi thi chuẩn bị kĩ các chủ đề có thể gặp để có thể tự tin hơn
  • Cười thật nhiều để tạo cảm giác thoải mái khi thi

9. Không nên đến muộn

Không nên đến dự thi muộn là điều dĩ nhiên mà bất cứ thí sinh dự thi nào cũng cần phải để tâm. Việc đến muộn không chỉ gây mất ấn tượng cho giám khảo, mà nó còn khiến bạn trở nên lúng túng hơn vì không có thời gian để chuẩn bị tinh thần trước. Nếu bạn đến phòng thi sớm, bạn có thể làm quen với mọi người cũng đến dự thi hôm đó và nói chuyện với họ để tạo cảm giác thoải mái trước khi vào thi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho bài nói của mình. Vì vậy, đừng đến phòng thi muộn, bạn nhé!

10. Không nên phụ thuộc vào giám khảo

Nhiều bạn đi thi và có suy nghĩ rằng nếu gặp phải câu hỏi khó nào, bạn có thể nhận sự trợ giúp hay gợi ý từ giám khảo. Tuy nhiên, thì đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai. Vì  như bạn biết thì kĩ năng nói là là kĩ năng kiểm tra về khả năng nói của bạn. Đã là kiểm tra thì người kiểm tra không được phép đưa ra gợi ý nào cho thì sinh, phải để thí sinh tự mình thể hiện khả năng nói. Bạn sẽ chẳng nhận được sự trợ giúp nào từ giám khảo, mà họ còn chính là người sẽ tìm ra các lỗi sai và chấm điểm bài thi nói của bạn. Vì vậy, sẽ vô ích nếu như bạn trông chờ vào sự trợ giúp của giám khảo.

Vậy là mình vừa mới chia sẻ với các bạn xong về 10 điều không nên trong kĩ năng nói. Hy vọng, sau khi đọc xong bài chia sẻ này bạn có thể tránh được các lỗi trên và không bị trừ điểm những phần không đáng. Chúc bạn học hiệu quả!

HỌC IELTS ONLINE QUA ZOOM,
CÁCH HỌC HIỆU QUẢ CỦA NGƯỜI HIỆN ĐẠI
Để cô Thanh Loan giúp bạn đánh giá đầu vào chi tiết, xây dựng lộ trình học tập cá nhân hoá phù hợp với đầu vào và mục tiêu bạn mong muốn
0
    0
    GIỎ HÀNG
    Giỏ hàng trốngQuay lại
      Sử dụng