Bạn đang ôn thi IELTS, bạn nghe không tốt mà nói cũng chẳng hay ho gì? Bạn muốn ngay lập tức cải thiện hai kỹ năng trên để tự tin hơn khi giao tiếp và quan trọng nhất là để sớm chinh phục IELTS với điểm số mình mong muốn? Vậy hãy ngay lập tức tìm hiểu về phương pháp cải thiện Listening và Speaking cùng lúc – Shadowing.
1. Đối tượng nên luyện nghe nói bằng phương pháp Shadowing
Shadowing dành cho tất cả các đối tượng học IELTS khác nhauu, nhưng tập trung nhiều hơn vào các đối tượng muốn cùng lúc cải thiện kỹ năng nghe và nói của mình. Thay bằng việc dành hàng giờ đồng hồ học phát âm khá lý thuyết và máy móc theo các sách khác nhau, bạn có thể hoàn toàn tận dụng việc kết học nghe và nói.
Shadowing là một kỹ thuật không phải nhiều người biết nhưng rất hiệu quả nếu bạn muốn luyện tập ngữ điệu, nhịp điệu và cách phát âm của người bản địa. Shadowing khác với kỹ thuật nghe và lặp lại, nghĩa là bạn sẽ không chờ nghe hết cả câu và sau đó mới nhắc lại những gì Speaker nói. Thay vào đó, bạn và người nói gần như sẽ nói đồng thời, cụ thể, bạn bắt chước hoàn toàn ngữ điệu, cách họ ngắt câu, luyến láy…. của họ. Chính vì thế, không có cớ gì mà bạn lại không đồng lúc cải thiện kỹ năng Speaking và Listening đúng không nào?
2. Các bước luyện nghe và nói bằng phương pháp Shadowing
Bước 1: Lựa chọn một audio/video tiếng Anh bạn thích. Lưu ý là chọn video có phụ đề hoặc audio có transcript.
Lý tưởng là xem phim có phụ đề, video nhạc có lời, ebook có audio đi kèm, talk show, sitcom hay phim hoạt hình. Nếu mới bắt đầu học, bạn nên lựa chọn các file nghe có tốc độ đọc phù hợp với trình độ hiện tại.
Một số website hữu ích:
- http://www.ted.com/
- https://librivox.org/
- http://learnenglish.britishcouncil.org/en/listen-and-watch
- http://www.bedtimestoriescollection.com/
- http://learningenglish.voanews.com/
Bước 2: Nghe audio/xem video ít nhất một lần để nắm bắt ngữ điệu cơ bản và hiểu được sơ qua ngữ cảnh. Theo A.J.Hoge thì bạn nên nghe từ 5 đến 7 lần trước khi bắt đầu áp dụng kỹ thuật Shadowing.
Bước 3: Shadowing
Mở lại file nghe, video và cố gắng bắt chước ngữ điệu, cách ngắt từ, cụm từ, câu… của người nói:
- Vừa nghe vừa nhìn vào phụ đề/transcript và đọc. Tập cho đến khi nào cảm thấy khá ổn.
- Tắt audio hoặc chuyển âm lượng video về 0, sau đó, đọc phụ đề/transcript và ghi âm lại giọng của bạn.
- Nghe lại file ghi âm và so sánh với giọng của speaker. Nếu chưa hài lòng, hãy luyện tập cho đến khi cảm thấy tốt nhất.
Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, hãy xem video cụ thể dưới đây:
https://www.youtube.com/watch?v=GVWFGIyNswI
Ngay khi mới tập, bạn sẽ cảm thấy mất kiên nhẫn, chán nản và khó làm theo. Đừng vội vàng từ bỏ, hãy cố gắng duy trì thói quen luyện tập mỗi ngày. Để tăng cảm hứng, bạn nên chọn những video hài hoặc bộ phim bạn yêu thích.
Nhưng nếu bạn đã nói ổn rồi và chỉ muốn cải thiện kỹ năng nghe để đạt điểm số cao hơn, hãy đọc thêm về phương pháp nghe chép chính tả hay nghe Repetition. Đối với các nguồn nghe thích hợp, IELTS Thanh Loan đã phân loại các nguồn nghe dành cho band dưới 4.5, từ 4.5 đến 6.5 và trên 6.5 để các bạn có thể lựa chọn nguồn thích hợp nhất với mình nhé. Chúc các bạn ôn thi hiệu quả.