Có thể nói trong bốn phần thi IELTS, Speaking không “nhức óc” như Writing, không vừa dài vừa khó như Reading và cũng không đau tai như Listening nhưng lại có khả năng gây “hoang mang trên diện rộng” nhất ☺ . Nhưng mà các bạn cũng đừng lo lắng quá nhé, các bạn chỉ cần chăm chỉ học tập, việc gỡ rối kiến thức hãy cứ để IELTS Thanh Loan lo. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào IELTS Speaking, cụ thể là Pronunciation.. Tiếp tục chuỗi bài viết chuyên sâu về IELTS Speaking, chúng mình cùng xem Hội đồng Anh đã đưa ra những lời khuyên nào cho phần Pronunciation nhé. Với bài viết này mình sẽ phân tích để các bạn rõ hơn về những lưu ý hữu ích này.
Cùng đọc bài thôi nào!
1. Âm đơn lẻ – Individual Sounds
“Tiêu chí này tập trung vào sự chính xác và đa dạng trong đặc trưng phát âm của từng âm đơn lẻ” (trích từ British Council)
Điều đầu tiên British Council lưu ý các thí sinh chính là âm đơn lẻ. Vậy âm đơn lẻ là gì các bạn đã biết chưa?
Âm đơn lẻ có thể được hiểu đơn thuần là đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên cách phát âm của một từ. Ở đây các bạn hãy chú ý đừng nhầm lẫn giữa “âm” và “chữ cái” nhé. Ví dụ như từ family /ˈfæməli/ sẽ có cách đọc được cấu thành từ 6 âm đơn lẻ như /f/, /æ/, /m/, /ə/, /l/, /i/. và các chữ cái sẽ là “f”, “a”, “m”, “i”, “l”, “y”. Có tất cả 44 âm trong tiếng Anh. Trong đó lại chia ra nguyên âm (20 âm) và phụ âm (24 âm). Dưới đây là ảnh minh họa:
Sở dĩ Hội đồng Anh chú trọng đến yếu tố này đầu tiên cũng đều vì có nguyên do cả. Phát âm sai một âm thôi cũng có thể làm xáo trộn cả từ và gây khó hiểu cho người nghe. Hơn thế nữa, chúng ta cứ suy nghĩ đơn giản là không biết cách phát âm từng âm đơn lẻ thì làm sao chúng ta có thể phát âm cả từ, cả câu được. Vậy nên, cá nhân mình thấy việc họ đặt tầm quan trọng của Individual sounds lên vị trí đầu tiên là vô cùng hợp lí, thiết thực.
2. Trọng âm từ – Word Stress
Lưu ý thứ hai được đưa ra chính là Trọng âm từ. Trọng âm từ là công cụ được sử dụng để nhấn một âm cụ thể nào đó khi nói tiếng Anh. Nhấn trọng âm sai âm tiết trong một từ là một lỗi khá phổ biến.
Ví dụ:
– misSTAKE chứ không phải MIStake
– deMOcracy chứ không phải DEmocracy
Theo Hội đồng Anh, việc nhấn trọng âm sai âm tiết cũng có thể gây nhầm lẫn khi từ đó thay đổi với các từ trong một họ từ (word family) chẳng hạn như PHOtograph, phoTOgraphy, photoGRAphic
3. Trọng âm câu – Sentence stress
Tiếp theo trọng âm từ, trọng âm câu cũng là một lưu ý nữa dành cho các bạn. Trọng âm câu chính là cách mà một số chữ trong một câu được nhấn mạnh hoặc đọc to hơn một chút. Việc nhấn nhá trọng âm câu cũng góp phần truyền tải thông tin rất nhiều. Ví dụ nguyên tắc là câu hỏi thì thường có trọng âm ở cuối chẳng hạn.
Ví dụ: If I were YOU, I’d go by BUS
Đối với câu nói này, vừa nghe là người nghe đã hiểu bạn muốn đề cập tới vấn đề gì và muốn nhấn mạnh nội dung gì rồi. Các bạn nên học cách nhấn trọng âm câu thật tốt nhé.
4. Ngữ điệu – Intonation
Ngữ điệu là cường điệu giọng nói của bạn thay đổi trong bài nói. Hội Đồng Anh không chỉ yêu cầu bạn phát âm chuẩn, nói có trọng âm mà còn phải có ngữ điệu nữa. Một bài nói đều đều như ru ngủ thì làm sao có thể thuyết phục ban giám khảo được đúng không nào
Dù tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu thanh điệu khi có tới 6 thanh sắc, nhưng người Việt lại hay mắc một lỗi khi nói tiếng Anh là cứ “ngang phè phè” chẳng có ngữ điệu lên xuống gì cả. Kỳ thực thì việc ngữ điệu trong tiếng Anh cũng phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của người nói, vì nó còn mang các yếu tố cảm xúc, thái độ. Ngữ điệu đều đều điển hình hay gặp đó là khi một người nào đó học thuộc lòng những câu trả lời dài. Điều này có thể làm cho điểm thi của bạn thấp hơn rất nhiều đó.
5. Chia đoạn – Chunking
Chia đoạn cũng là một lưu ý nữa mà Hội đồng Anh muốn các thí sinh thi IELTS phải lưu ý. Chia đoạn có nghĩa là bạn nên nói với một nhịp điệu truyền tải, từng đoạn từ với khoảng ngắt ngắn ở giữa chứ đừng nói luôn một mạch cả bài nói dài như thế mà không có bất kỳ sự ngừng nghỉ nào. Những nhà diễn thuyết giỏi thường rất hay sử dụng kĩ năng này mỗi khi muốn người nghe chú ý hơn vào phần nói tiếp theo của mình hoặc muốn nghỉ để chuẩn bị cho phần tiếp theo.
6. Hoàn thiện kĩ năng phát âm theo các bước
Để giúp các thí sinh không bị lúng túng trong quá trình học phát âm, Hội đồng Anh cũng đưa ra các bước để các bạn có thể phát triển kĩ năng này.
Bước 1: Find out how English intonation, sentences stress and rhytm differ from your own native language. Bước đầu tiên chính là phát hiện xem ngữ điệu, trọng âm câu và nhịp điệu của người Anh khác như thế nào với tiếng mẹ đẻ của mình.
Do bị ảnh hưởng bởi tiếng mẹ đẻ, vậy nên người Việt chúng ta khi mới họcTiếng Anh thường quy cách tiếng Anh giống như tiếng Việt. Việc tìm hiểu một số sự khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng Anh sẽ có thể giúp cải thiện kĩ năng nói, cũng như phát triển trình độ ngoại ngữ. Mình cũng đã tìm hiểu về vấn đề này để giúp các bạn hình dung rõ hơn. Chúng ta cùng xem nhé.
Kiểu ngôn ngữ:
Tiếng Việt là tiếng đơn âm trong khi đó tiếng Anh là tiếng đa âm. Ví dụ từ “gia đình” của chúng ta đọc tách gia + đình trong khi tiếng Anh chúng ta sẽ đọc ghép Fa+mi+ly = Family
Do bị ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ, người Việt lúc mới học có khuynh hướng phát âm “một từ tiếng Anh có nhiều âm”, như là “nhiều từ tiếng Việt có một âm”.
Chẳng hạn, từ tiếng Anh có hai âm là “teacher”, người Việt có khuynh hướng phát âm thành hai từ: tít + chờ. Vậy nên, các bạn nói tiếng Anh, thì cần đọc liền mạch các âm của một từ.
Dấu tiếng Việt và “dấu” tiếng Anh
Tiếng Việt có thanh, có dấu. Khi thay đổi dấu sẽ thành từ khác ví dụ: ba, bà, bá, bả, bã, bạ. Các từ Tiếng Anh không có dấu. Thay vào đó, các từ tiếng Anh có trọng âm.Ví dụ: major /ˈmeɪdʒər/
Cách viết và cách đọc
Các từ tiếng Việt: Viết = Đọc
Các từ tiếng Anh: Viết # Đọc
Tiếng Việt có thể đánh vần từng ký tự đọc thành từ. Còn tiếng Anh là không thể, viết cách này, đọc cách khác. Nếu gặp từ mới, phải đọc theo người dạy hoặc tra từ điển để chúng ta tìm được cách đọc chính xác, không thể tự đánh vần như tiếng Việt.
Cao độ
Cùng một người, khi nói tiếng Việt thường sẽ cao hơn nói tiếng Anh chuẩn. Hạ độ cao của giọng khi nói tiếng Anh là một trong những khía cạnh nói tiếng Anh hay và tốt hơn.
Nguyên âm
Tiếng Việt không có phân biệt rõ ràng giữa nguyên âm đơn dài và nguyên âm đơn ngắn trong khi tiếng Anh lại phân biệt rất rõ ràng giữa nguyên âm đơn dài và nguyên âm đơn ngắn.
Ví dụ:
– seat /siːt/ (n): chỗ ngồi
– sit /sɪt/ (v): ngồi
Chú ý: Việc phát âm rõ ràng nguyên âm dài và nguyên âm ngắn rất quan trọng, bởi nếu phát âm sai, người nghe sẽ nghĩ thành một từ khác. Vậy nên bạn nhớ tìm hiểu về mảng phát âm các nguyên âm này nhé.
Phụ âm cuối
Tiếng Việt không phát âm phụ âm cuối của một từ, do đó các từ được phát âm tách biệt hẳn ra và không có nối âm. Tiếng Anh thì ngược lại, tiếng Anh có phát âm phụ âm cuối của một từ, do đó, trong tiếng Anh có nối âm.
Ví dụ: get out of here: Đây là 4 từ có 1 âm, nhưng nói tự nhiên, sẽ nghe như thành 1 từ “getoutofhere”.
Bước 2: Insure you understand the effect of sentence stress and intonation on meaning. Đảm bảo rằng bạn biết ảnh hưởng của trọng âm và ngữ điệu đến nội dung ý nghĩa của câu. Chúng mình cùng xem các ví dụ sau nhé:
eg: HE cleaned my car yesterday (not me)
He cleaned MY car yesterday (Not your car)
He cleaned my CAR yesterday (not bicycle)
He cleaned my car YESTERDAY (not today)
Các bạn có thể thấy rõ rồi đấy, mỗi từ được nhấn trong câu sẽ làm câu thay đổi nghĩa theo hướng khác nhau. Vậy nên lưu ý vào nội dung mình muốn nhấn mạnh mà sử dụng trọng âm và ngữ điệu cho thật hợp lí nhé.
Bước 3: Practice using these in different ways
Cuối cùng là luyện tập sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Phải luyện tập thường xuyên thì kết quả mới cao được. Vậy nên các bạn nên dành ra khoảng một tiếng luyện nói mỗi ngày nhé.
7. Hãy nhờ đến một cuốn từ điển để kiểm tra đúng trọng âm từ nếu bạn không chắc
Đây là một lời khuyên vô cùng thiết thực đúng không các bạn. Mình chắc rằng mỗi bạn thí sinh thi IELTS đều có riêng cho mình một cuốn từ điển, không từ điển giấy thì từ điển online. Hãy thường xuyên sử dụng từ điển của mình các bạn nhé.
Trong bài cách học từ vựng nhớ lâu mình cũng đã hướng dẫn cách bạn các bước học một từ vựng mới đó. Bạn hãy chú ý nhé.
8. Luyện nghe bất cứ chủ đề nào bạn thấy thích thú từ nhiều nguồn tiếng anh đáng tin cậy như BBC radio, Voice of America
Bên cạnh đó, British Council cũng khuyên các bạn nên luyện nghe nhiều hơn. Việc nghe nhiều sẽ giúp bạn làm quen với nhiều đặc trưng phát âm. Thậm chí nếu bạn không nghe kỹ, bật đài hoặc ti vi làm nền thì cũng có thể giúp bạn điều chỉnh với nhịp điệu và ngữ điệu của ngôn ngữ khác đấy. Bạn hãy check một số nguồn nghe Anh-Anh, podcast và các bộ phim để cải thiện phát âm của mình nhé.
9. Đừng vội vàng khi nói
Bạn có thắc mắc tại sao họ lại khuyên chúng ta không nên vội vàng khi nói trong khi thời gian cho phép thì khá eo hẹp không? Tất nhiên là bởi vì đây là lỗi thường gặp của các thí sinh khi đi thi. Bạn có thể bỏ sót âm hoặc từ. Vậy nên sẽ tốt hơn khi nói rõ ràng, rành mạch với một tốc độ nói vừa phải.
10. Ghi âm lại giọng nói
Bạn sẽ học Speaking như thế nào nếu bạn không có partner luyện nói cùng mình? Bản thân mình thấy, ghi âm lại giọng của mình rất hữu ích các bạn ạ. Chúng ta nên cố gắng áp dụng những gì mình đã học về các đặc trưng phát âm khác nhau trong tiếng Anh để luyện nói và sau đó ghi âm, nghe lại và tự sửa lỗi. Ngắt đoạn cũng là một kĩ năng cụ thể mà bạn có thể phát triển bằng cách tự ghi âm lại bài nói của mình.
Vậy là mình vừa chia sẻ xong với các bạn về những lời khuyên bổ ích từ British Council dành cho các thí sinh thi IELTS về phần Pronunciation rồi đó. Các bạn thấy chũng hữu ích chứ? Hãy áp dụng và luyện tập thật tốt nhé.
Chúc các bạn thành công!